Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/02/1913 - 15/02/2023), là dịp để chúng ta tri ân, khẳng định những công lao và đóng góp quan trọng của đồng chí, bậc trí thức lớn của dân tộc, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Mặt trận trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cụ Huỳnh Tấn Phát
Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/02/1913 trong một gia đình viên chức nghèo ở xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Bến Tre). Nhiệt huyết cách mạng đã được Huỳnh Tấn Phát ấp ủ ngay từ thời học sinh, sinh viên. Năm 1933, sau khi hoàn tất chương trình bậc trung học tại Trường Petrus Ký, Huỳnh Tấn Phát thi vào Khoa Kiến trúc, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội) và tích cực tham gia các hoạt động của Tổng hội Sinh viên Đông Dương và Hội Ái hữu sinh viên Nam Kỳ. Năm 1936, Huỳnh Tấn Phát tham gia Phong trào Đông Dương Đại hội, cùng một số anh em tổ chức đoàn đại biểu sinh viên, học sinh lên gặp phái đoàn Godard (đại diện Chính phủ Bình dân Pháp sang Đông Dương) để trình “Tập thư thỉnh nguyện” đòi dân sinh, dân chủ.
Cuối năm 1938, Huỳnh Tấn Phát tốt nghiệp đại học thủ khoa ngành kiến trúc, trở về Sài Gòn, làm nghề Kiến trúc sư (KTS) tập sự tại văn phòng kiến trúc sư Pháp Chauchon; sau đó mở văn phòng riêng. Huỳnh Tấn Phát cũng là người Việt Nam đầu tiên mở văn phòng luật sư ở Sài Gòn, nhưng ông không quan tâm nhiều đến việc kinh doanh mà chuyển hướng sang hoạt động chính trị; ra làm báo và sử dụng tờ Tuần báo Thanh niên vào mục đích tập hợp lực lượng yêu nước, phát động thanh niên chiến đấu theo lý tưởng cách mạng, phát triển mạnh phong trào truyền bá Quốc ngữ, phong trào cứu nạn đói Bắc Kỳ và đặc biệt là phong trào Thanh niên Tiền phong. Đây là lực lượng nòng cốt trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Sài Gòn Tháng Tám 1945, mà ông là trưởng ban cổ động. Ngay từ nhỏ ông đã chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, đồng bào sống trong cơ cực, lầm than dưới ách quân xâm lược đã hình thành trong ông tình cảm yêu nước, thương dân đã thúc đẩy Huỳnh Tấn Phát giác ngộ lý tưởng cộng sản và đi theo con đường cách mạng.
* Tận tâm với công tác Mặt trận
Vào giữa năm 1982, trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Huỳnh Tấn Phát ra sức khôi phục và phát triển Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, theo đúng chức năng nghiệp vụ quản lý Nhà nước về ngành kiến trúc và xây dựng. Ông quy tụ được một số đông KTS, kỹ sư xây dựng giỏi để phát huy tác dụng của ngành, tiếp đó ông được chuyển sang làm công tác Mặt trận. Nhiều người muốn KTS Huỳnh Tấn Phát ở lại phụ trách ngành, nhưng ông không chần chừ, sẵn sàng sang cơ quan Mặt trận. Ông góp sức với Đảng đoàn và Ban Thư ký soạn Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa V) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”, một chỉ thị có thể làm nền tảng cho công việc đổi mới công tác Mặt trận, góp nhiều kinh nghiệm chuẩn bị nội dung, nhân sự.
Tháng 5/1983, Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình, ông Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát tận tình cổ vũ cho sự nghiệp đại đoàn kết, nhất là đối với miền Nam, tuyến đầu Tổ quốc trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ. Đặc biệt ở Sài Gòn - Chợ Lớn, nơi hội tụ nhiều tôn giáo, nhiều tổ chức xã hội mang màu sắc chính trị, công tác Mặt trận ở đây đòi hỏi phải đi sâu nghiên cứu từng đối tượng, từng chính sách. Do đó, ông rất chú ý chăm sóc, phát huy lực lượng trí thức tại chỗ và góp phần giải quyết tốt những vấn đề có tính chất chiến lược lâu dài như vấn đề đoàn kết các tôn giáo, các dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần và tư tưởng của họ.
Khi thống nhất hai miền Nam - Bắc, Huỳnh Tấn Phát phân tích: Đội ngũ trí thức, khoa học miền Nam được đào tạo từ nhiều nước tư bản, rất đa dạng, là vốn quý. Đội ngũ thợ lành nghề có tác phong công nghiệp. Về tôn giáo, Sài Gòn hội tụ nhiều tôn giáo, nhiều tổ chức xã hội mang màu sắc chính trị nên công tác mặt trận phải nghiên cứu kỹ từng đối tượng, với nhiều cách làm tinh tế, sáng tạo mới thành công... Ông luôn nhắc nhở cán bộ Mặt trận các cấp: Mặt trận không phải là tổ chức hiếu hỷ, cùng với tổ chức chính trị-xã hội, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng. Ông đặc biệt hoan nghênh chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Dù giữ chức vụ nào, ông cũng luôn có tác phong giản dị, nếp sống thanh bạch. Ông sống trong một căn nhà nhỏ hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn chức vụ mà ông đang đảm trách. Điều đó cho thấy ông là người khiêm tốn, trọng nghĩa tình hơn trọng thanh danh, chức vụ.
Là một kiến trúc sư tài ba có tên tuổi ở Sài Gòn thời bấy giờ, ông có thể chọn lối sống dư dả, nhiều cơ hội bước chân vào giới thượng lưu nhưng ông đã sớm chọn cho mình con đường cách mạng, giải phóng dân tộc. Có lẽ truyền thống của gia tộc họ Huỳnh từ bao đời nay đã ngấm sâu vào tâm tưởng con người Huỳnh Tấn Phát, để ông chọn con đường yêu nước, phụng sự nhân dân. Một số tài liệu ghi chép về cuộc đời KTS Huỳnh Tấn Phát cho thấy, từ trước Cách mạng tháng Tám, ông đã tham gia vận động trí thức, thợ thuyền tham gia Mặt trận Liên Việt, tổ chức các phong trào đấu tranh chính trị đòi hòa bình. Từ năm 1943, ông là chủ nhiệm của tuần báo Thanh niên với khuynh hướng chống Pháp - Nhật, góp phần sáng lập và cổ động phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ. Ông vinh dự được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 3-1945, sau đó trực tiếp tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn vào ngày 25-8-1945.
Là một nhà cách mạng yêu nước, ông được Đảng, Nhà nước và nhân dân tín nhiệm trao giữ nhiều trọng trách trong cả giai đoạn chiến tranh và sau giải phóng: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước - nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông cũng từng kiêm nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước; Chủ tịch Hội KTS Việt Nam.
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã chọn cho mình con đường cách mạng, là noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh dành trọn một đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ở cương vị quan trọng của đất nước, ông luôn giữ gìn phẩm chất liêm khiết, công tâm. Cũng chính vì vậy, trong thẳm sâu tâm khảm ông lúc sinh thời luôn đau đáu một nỗi niềm chưa trọn đối với quê hương.
Ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, đại biểu các dân tộc, tôn giáo, các đảng phái yêu nước và các tầng lớp nhân dân tổ chức hội nghị và quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ủy ban Trung ương lâm thời được cử ra, trong đó có KTS Huỳnh Tấn Phát. Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất (từ 16/2 đến 3/3/1962) đã bầu chính thức Ủy ban Trung ương, trong đó có nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng. Tổng Thư ký Đảng Dân chủ miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn-Gia Định; là đại diện tiêu biểu giới trí thức yêu nước miền Nam, được bầu vào Đoàn Chủ tịch, giữ trọng trách Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương và có nhiều đóng góp tích cực, nâng cao uy tín, vị thế của Mặt trận.
Tháng 6/1969, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trên cương vị này, Huỳnh Tấn Phát góp phần tích cực cùng các thành viên trong Chính phủ đảm đương những nhiệm vụ của một chính quyền nhà nước hợp pháp của nhân dân miền Nam.
Trưởng ban công tác Mặt trận phía Nam Võ Văn Thiện (bìa trái), Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Hồng Nhung (thứ 2 từ trái qua)
cùng đại biểu các tỉnh trồng cây lưu niệm tại Đền thờ cụ Huỳnh Tấn Phát, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại
Năm 1977, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam bầu đồng chí làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 1979, đồng chí kiêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước và đại diện thường trực của Việt Nam tại Hội đồng Tương trợ kinh tế các nước XHCN. Năm 1981, đồng chí được Quốc hội khóa VII cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; tháng 6/1982, được cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; năm 1983, được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, VI, VII, VIII.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một trong những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta, tài đức vẹn toàn, có phong cách sống và làm việc khoa học. Cuộc đời của đồng chí là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của người cộng sản kiên trung, bất khuất, suốt đời phục vụ nhân dân, đất nước và xây dựng tình đoàn kết giữa nhân dân ta với các dân tộc và bạn bè trên thế giới. Suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí luôn tỏ rõ tinh thần kiên trung, bất khuất, trọn đời hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc; là tấm gương tiêu biểu về tinh thần trách nhiệm cao cả trước Đảng, trước dân của người trí thức cách mạng chân chính. Dù ở cương vị nào đồng chí cũng luôn tận tụy, hết lòng phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. Do có những công lao đóng góp và thành tích lớn đối với cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết” cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Có thể nói, Huỳnh Tấn Phát là người của công tác Mặt trận, sinh ra để làm sứ mệnh của Mặt trận.
Đại biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh viếng Đền thờ cụ Huỳnh Tấn Phát tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại
* Tấm gương tiêu biểu cho đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế
Suốt cả cuộc đời đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp cao cả này. Từ khi bắt đầu tham gia phong trào yêu nước cho đến khi làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí liên tục được phân công đảm nhiệm công tác vận động quần chúng; vừa là người tổ chức, chỉ đạo, vừa là người trực tiếp làm công tác phong trào.
Gần suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã gắn bó với công tác tuyên truyền vận động quần chúng ở các thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn để cùng nhiều đồng chí khác như Tám Lựu, Hoàng Quốc Tân, Vũ Tùng... vận động trí thức tham gia Mặt trận Liên Việt gây dựng các phong trào đấu tranh chính trị như “đòi hòa bình”, “đòi đế quốc Pháp phải công nhận quyền độc lập của Việt Nam”... Ngay cả khi bị bắt, bị giam trong Khám Lớn Sài Gòn, gia đình gặp nhiều khó khăn, đồng chí vẫn kiên định lý tưởng, tuyệt đối tin tưởng cách mạng, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng như: tổ chức liên đoàn tù nhân, tổ chức lớp học, ra báo vận động tù nhân đấu tranh chống chế độ nhà tù tàn bạo, vận động tù nhân hướng về cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc. Cùng với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có những cống hiến nổi bật trong sự nghiệp tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc để kháng chiến thắng lợi tại khu Sài Gòn - Gia Định và trên toàn miền Nam Việt Nam, có công lớn trong việc hình thành và củng cố, mở rộng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; trong việc giúp đỡ để hình thành và hoạt động của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, trong nhiệm vụ điều hành Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam từ sau khi thành lập đến khi hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.
Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng và Nhân dân giao nhiều trọng trách về mặt nhà nước, đồng thời phụ trách công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tháng 02/1977, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc, Đồng chí được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch và đã góp sức với Đảng đoàn, Ban Thư ký xây dựng Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa V) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”, được xem như luồng gió mới làm thay đổi toàn diện công tác Mặt trận. Đồng thời, Đồng chí đã góp nhiều kinh nghiệm chuẩn bị nội dung, nhân sự mở rộng thêm nhân sự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.
Trên cương vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II (tháng 5/1983) bầu, Huỳnh Tấn Phát là người chỉ đạo trực tiếp các cấp Mặt trận triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW; đồng chí đã đi khắp các tỉnh để phổ biến, phân tích nội dung của Chỉ thị và đề ra ra những biện pháp củng cố tổ chức Mặt trận cơ sở. Với sự nỗ lực của đồng chí và các thành viên trong Đoàn Chủ tịch, Ban Thư ký, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW góp phần nâng cao vai trò của Mặt trận, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó chính là một trong những nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh để dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành nhiều thắng lợi trong sự nghiệp khôi phục đất nước sau chiến tranh cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả dân tộc đoàn kết, thống nhất bước vào sự nghiệp đổi mới. Thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của đồng chí Huỳnh Tấn Phát.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết quốc tế. Rất nhiều nhà lãnh đạo, nhân vật tiêu biểu và Nhân dân tiến bộ trên thế giới xem Ông là một trong những “đầu mối” để thiết lập tình đoàn kết, gắn bó với Nhân dân Việt Nam. Trên cả hai mặt trận, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, Đồng chí đều làm tròn trách nhiệm, có những đóng góp đặc biệt quan trọng. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của sự phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại mà Đồng chí là một trong những nhân tố then chốt.
Từ khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương tháng (3/1945) cho đến khi trở về cõi vĩnh hằng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát tuyệt đối trung thành với lý tưởng mà mình đã chọn. Lý tưởng và tố chất của người cộng sản đã làm cho tài năng và đức độ của Đồng chí toả sáng. Suốt đời phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, luôn tin vào sức mạnh của quần chúng và sự tất thắng của cách mạng. Điều đó khẳng định sự lựa chọn đi theo con đường cách mạng là hoàn toàn đúng đắn của đồng chí.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc và Nhân dân. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau ở Nam Bộ và cơ quan Trung ương, dù ở đâu, làm việc gì, đồng chí cũng đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và Nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên hết. Trong ngục tù của kẻ thù, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đến khi trở thành Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Đồng chí luôn phát huy phẩm chất kiên cường của người cộng sản, thể hiện cao đẹp đức tính liêm khiết, khiêm tốn, cuộc sống giản dị, mẫu mực, là tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản “tận trung với nước, tận hiếu với dân”.
Cuộc đời hoạt động cách mạng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cương vị nào, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn thể hiện tinh thần trung kiên, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc: dân tộc độc lập, Nhân dân tự do, đất nước thống nhất và trọn vẹn lãnh thổ. Với đức tính khiêm tốn, vị tha, nhân hậu, gắn bó mật thiết với Nhân dân và tinh thần hăng hái làm việc đến hơi thở cuối cùng. Cuộc đời hoạt động không mệt mỏi và những cống hiến to lớn cho đất nước và dân tộc của đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.
Nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chúng ta càng thêm trân trọng, tự hào và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao của người cộng sản kiên cường, bất khuất. Đồng chí để lại cho chúng ta bài học quý báu về nhân cách sống và hoạt động của người cách mạng.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát, là dịp để chúng ta tri ân, khẳng định những công lao và đóng góp quan trọng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, bậc trí thức lớn của dân tộc, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trân trọng và ghi nhớ công ơn to lớn của bao lớp người đi trước, nhắc nhở thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, không ngại khó khăn gian khổ, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, cũng phải vươn lên, sẵn sàng cống hiến vì mục tiêu, lý tưởng đã chọn, quyết tâm sớm biến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thành hiện thực. Tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Bến Tre.Với những hoạt động, đấu tranh vì hoà bình, dân chủ, thống nhất đất nước, Huỳnh Tấn Phát đã đóng góp phần quan trọng trong hoạt động của Mặt trận, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cống hiến cuộc đời cho cách mạng, cho đất nước. Hiện nay nhiều con đường ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các thành phố khác… được vinh dự mang tên Huỳnh Tấn Phát. Ghi nhận những đóng góp to lớn của Ông cho sự nghiệp kiến trúc, năm 2000, Nhà nước đã truy tặng Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt đầu tiên), giải thưởng cao quý nhất của nước ta về Văn học nghệ thuật.